Trade Finance là gì? Các sản phẩm trong hệ thống Trade Finance

29/06/2023

Trade Finance là gì? Các sản phẩm trong hệ thống Trade Finance

Nội dung

Tài trợ thương mại (Trade Finance) khá phổ biến và có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Cùng Vega Fintech tìm hiểu về cách thức hoạt động của Trade Finance và các sản phẩm tài trợ thương mại.

1. Trade Finance là gì?

Tài trợ thương mại (Trade Finance) hay cho vay thương mại, là hình thức trung gian, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu có thể giao dịch nhanh chóng. Tài trợ thương mại được triển khai ở ngân hàng với một số dịch vụ hỗ trợ vay, cho vay tài chính đối với bên mua và bên bán như: mở thẻ, mở tài khoản, cho vay thế chấp…

Trade Finance là gì?

Trade Finance là hoạt động tài trợ thương mại đối với xuất nhập khẩu

Hoạt động Trade Finance có vai trò quan trọng, giúp ổn định tình hình tài chính quốc gia, làm an lòng hệ thống ngân hàng thương mại quốc tế và hỗ trợ các doanh nghiệp yên tâm kinh doanh mở rộng quy mô sản xuất.

Hiểu một cách đơn giản: Khi giao dịch xuất nhập khẩu, bên mua và bên bán chưa thể hiểu rõ về nhau, cả hai bên đều lo sợ rủi ro: Bên mua sợ không nhận được hàng như cam kết, bên bán sợ không được trả tiền đầy đủ như hợp đồng…

Giải pháp là hai bên sẽ dùng trung gian để giao kết, đó là các ngân hàng của nước bên xuất khẩu và nước phía nhập khẩu. Hai ngân hàng sẽ đảm bảo cho hàng được vận chuyển đến đúng nơi, người mua thanh toán đầy đủ.

2. Cách thức hoạt động của Trade Finance

Có nhiều bên liên quan đến tài trợ thương mại, trong đó có 5 đối tượng chính là: Nhà cung cấp, người tiêu dùng, ngân hàng, công ty bảo hiểm, đơn vị tài trợ thương mại.

Chức năng của Trade Finance là giới thiệu cho bên thứ ba các giao dịch để loại bỏ mọi rủi ro thanh toán và rủi ro cung ứng, cung cấp cho bên xuất khẩu các khoản phải thu hoặc thanh toán dựa theo thỏa thuận trong khi bên nhập khẩu có thể được nới rộng tín dụng để thực hiện lệnh giao dịch.

Khác với sản phẩm tín dụng thông thường, Trade Finance được dùng để quản lý khả năng thanh toán, chống lại các rủi ro cố hữu của thương mại quốc tế như: Bất ổn chính trị, biến động tiền tệ, uy tín tín dụng của các bên liên quan.

Cách thức hoạt động của Trade Finance

Trade Finance được sử dụng để bảo vệ khỏi rủi ro trong thương mại quốc tế

Tài trợ thương mại sử dụng một số công cụ tài chính sau:

- Hạn mức tín dụng: Các ngân hàng có thể cấp hạn mức cho vay tới nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu.

- Thư tín dụng: Ngân hàng của người mua đứng ra đảm bảo sẽ thanh toán cho người bán đối với hàng hóa được vận chuyển khi nhận được đầy đủ hóa đơn, chứng từ vận chuyển. Thư tín dụng nhằm đảm bảo cả hai bên phải tôn trọng thỏa thuận về giao dịch được thông qua.

- Bao thanh toán: Khi các công ty được trả tiền dựa trên tỷ lệ phần trăm các khoản phải thu của họ.

- Tín dụng xuất khẩu hoặc vốn lưu động cấp cho các nhà xuất khẩu.

- Bảo hiểm: Dùng để bảo vệ nhà xuất khẩu trong trường hợp người mua không thanh toán, rủi ro khi vận chuyển…

3. Các sản phẩm Trade Finance

Có nhiều hình thức tài trợ thương mại, có thể kể 6 loại chính sau đây:

Tài trợ thương mại quốc tế (International Trade Sponsorship)

Đây là hoạt động tài trợ thương mại không căn cứ vào quốc tịch. Dòng vốn được vận hành theo hai chiều, một phía từ bên cung ứng và một phía từ bên tiếp nhận.

Trong tài trợ thương mại quốc tế, dòng vốn được cấu thành từ 2 nguồn:

Tài trợ thương mại quốc tế (International Trade Sponsorship)

Trade Finance có thể đến từ Chính phủ hoặc tư nhân

- Từ các tổ chức tư nhân như ngân hàng thương mại phân bổ cho doanh nghiệp có nhu cầu về vốn thông qua thị trường tín dụng theo nguyên tắc cho vay và hoàn trả có đền bù bằng tiền lãi.

- Từ Chính phủ, tổ chức tài chính theo dạng quốc tế phân bổ trực tiếp cho đối tượng tiếp nhận theo chỉ định từ Nhà nước.

Ví dụ: Tài trợ thương mại được Chính phủ ban hành đối với Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Đối tượng hưởng tài trợ gồm: Đối tượng hưởng chính sách tài trợ trực tiếp , chính sách tài trợ gián tiếp.

Tài trợ thương mại nội địa

Hoạt động thương mại này nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia để thúc đẩy giao dịch thương mại.

Ví dụ: Eximbank cung cấp gói tài trợ thương mại nội địa bao gồm: Thông báo, phát hành và thanh toán thư tín dụng nội địa…

Tài trợ thương mại xuất / nhập khẩu

Là hoạt động tài trợ diễn ra giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp, các tổ chức thuộc nước khác.

Ví dụ: Gói hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức tài trợ thương mại xuất nhập khẩu của BIDV, các chính sách tài trợ gồm: Dịch vụ thanh toán quốc tế, tài trợ xuất khẩu, tài nhập khẩu…

Bảo lãnh nhận hàng (Shipping Guarantee)

Hình thức này có nghĩa là ngân hàng bảo lãnh, tạo điều kiện cho khách hàng có thể lấy hàng trước khi nhận được bộ chứng từ vận chuyển, cho phép doanh nghiệp sở hữu hàng hóa khi chưa có chứng từ vận chuyển, tránh sự chậm trễ không cần thiết dẫn tới bỏ lỡ cơ hội giao thương, giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí lưu kho.

Bảo lãnh nhận hàng (Shipping Guarantee)

Ngân hàng có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp nhận hàng theo hợp đồng

Ví dụ: Vietcombank bảo lãnh nhận hàng sau khi đã xác minh thủ tục giấy tờ đầy đủ và hợp lệ cho Công ty Đóng tàu số 1 Xuân Sơn, nhờ đó doanh nghiệp có thể nhận hàng như mong muốn.

Cho vay tài trợ xuất / nhập khẩu

Đây là một sản phẩm của ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán ngay lập tức cho bên bán, góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Ví dụ: VPBank cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay một khoản tiền hỗ trợ hoạt động xuất nhập, nhờ đó các doanh nghiệp này sẽ có cơ hội được cho vay tài chính để hoạt động giao thương, xuất/ nhập khẩu diễn ra thuận tiện và nhanh chóng.

Nhờ thu hộ chứng từ xuất nhập khẩu

Doanh nghiệp nhập khẩu ủy quyền cho ngân hàng nhận, kiểm tra và thông báo chứng từ từ phía đơn vị xuất khẩu gửi tới và kiểm tra tính hợp lệ.

Ví dụ: Dịch vụ thu hộ chứng từ xuất nhập khẩu của ngân hàng MB Bank ghi nhận, kiểm tra và hoàn tất thủ tục từ đơn vị đối tác. Doanh nghiệp được hỗ trợ thương mại chỉ cần kiểm tra bước cuối nhằm xác nhận đã đạt được kết quả như mong muốn.

4. Lợi ích của Trade Finance

Tài trợ thương mại đã trở thành một công cụ quan trọng đối với các công ty hoạt động xuất nhập khẩu.

Lợi ích của Trade Finance

Các hoạt động tài trợ thương mại giúp doanh nghiệp tăng doanh thu

Cải thiện dòng tiền và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Tài trợ thương mại giúp các công ty được bổ sung nguồn tài chính, tạo thuận lợi cho kinh doanh. Các công ty có thể nhận được một khoản thanh toán tiền mặt dựa trên các khoản phải thu trong trường hợp bao thanh toán.

Thư tín dụng giúp bên xuất khẩu và nhập khẩu giao dịch thuận lợi, giảm rủi ro không thanh toán hoặc không nhận hàng. Dòng tiền được cải thiện do ngân hàng của người mua đảm bảo về thanh toán và nhà nhập khẩu yên tâm rằng hàng hóa đang được vận chuyển đi.

Tăng doanh thu từ hoạt động kinh doanh

Tài trợ thương mại là khâu xúc tiến, giúp hoạt động thương mại quốc tế diễn ra trơn tru, thuận lợi, nhờ đó các công ty tăng doanh thu từ hoạt động kinh doanh.

Giảm rủi ro khó khăn tài chính

Nếu thiếu sự hỗ trợ từ Trade Finance, một công ty có thể bị mất một khách hàng hay bỏ lỡ một nhà cung cấp chủ chốt chỉ vì khó khăn tài chính. Việc xoay vòng các cơ sở tín dụng, bao thanh toán các khoản phải thu không chỉ giúp giao dịch quốc tế thuận lợi mà còn là một giải pháp trong những lúc khó khăn về tài chính.

5. Trade Finance giảm thiểu rủi ro như thế nào?

Tài trợ thương mại làm giảm rủi ro liên quan đến thương mại toàn cầu bằng cách dung hòa các nhu cầu khác nhau từ phía người xuất khẩu và người nhập khẩu, xây dựng niềm tin giao dịch giữa hai bên, nhờ đó việc kinh doanh diễn ra thuận lợi.

Giả sử nhà xuất khẩu muốn nhà nhập khẩu trả tiền trước cho một lô hàng để tránh rủi ro bị quỵt nợ, thế nhưng phía nhập khẩu từ chối trả tiền trước vì sợ rủi ro bên xuất khẩu không vận chuyển hàng hóa.

Trade Finance giảm thiểu rủi ro như thế nào?

Trade Finance giúp giảm rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu

Giải pháp cho khúc mắc này là ngân hàng của bên nhập khẩu sẽ là bên trung gian cung cấp thư tín dụng cho ngân hàng phía bên xuất khẩu rằng nhà nhập khẩu đã thanh toán trước đó rồi ngay khi nhà xuất khẩu chứng minh lô hàng đã được chuyển đi đúng như giao ước.

Thư tín dụng sẽ đảm bảo một khi ngân hàng phát hành nhận được bằng chứng lô hàng đã được chuyển đi và các điều khoản của thỏa thuận được đáp ứng, họ sẽ thanh toán cho nhà xuất khẩu. Với thư tín dụng, ngân hàng của bên mua chịu trách nhiệm thanh toán cho bên bán.

Ngân hàng của bên mua phải đảm bảo người mua đủ khả năng tài chính để cam kết thực hiện giao dịch.

Có thể nói Trade Finance là khâu trung gian có vai trò vô cùng quan trọng, giúp cho hoạt động giao thương toàn cầu phát triển. Nếu doanh nghiệp của bạn đang hướng tới xuất - nhập khẩu, hãy tìm hiểu thêm về các sản phẩm tài trợ thương mại nhé.